"Thế Hệ 17":
Lãnh Đạo Kiến Tạo Ngày Mai
Khám phá cách những nhà lãnh đạo trẻ - những kẻ khát khao thay đổi thế giới hiện thực hoá viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp hơn.
Đến năm 2030, chúng tôi mong muốn tạo nên một môi trường sống lành mạnh, một xã hội an lành và hạnh phúc cho tất cả. Đó cũng là những điều mà 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững hướng tới, thông qua giải quyết các vấn đề cấp bách: nạn đói, sự bất bình đẳng, hiện tượng biến đổi khí hậu, sự suy thoái môi trường, hoà bình và công lý.
Gần 10 năm, Samsung hợp tác cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP: United Nations Development Programme) để chắp cánh cho những nhà lãnh đạo trẻ, giúp họ lan toả tiếng nói và câu chuyện truyền cảm hứng, qua đó nhân rộng tầm ảnh hưởng của mình trên hành trình thay đổi thế giới.
Với tên gọi Generation17 Young Leaders, họ là tập hợp những nhà lãnh đạo từ 23 đến 30 tuổi đầy đam mê, không ngừng đấu tranh vì nhân quyền và phát triển các cộng đồng trên toàn cầu. Để hỗ trợ những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi này, Samsung và UNDP không chỉ cố vấn mà còn cung cấp công nghệ tiên tiến, cơ hội mở rộng kết nối để họ hiện thực hoá hoài bão của mình.
Máximo Mazzocco,
30, Argentina
Founder của Eco House / @eco.house
"Tôi tự nhủ bản thân hãy sống hết mình, để có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người khác. Đó là cách duy nhất tôi biết."
Từ khi còn là một cậu chàng thiếu niên tại Buenos Aires, Máximo đã liên tục tự hỏi bản thân, liệu có cách nào để giải quyết vấn nạn rác thải trong thành phố? Một ngày, anh thôi trăn trở và bắt tay vào giải quyết vấn đề. Với một cuốn sổ nhỏ tự tạo viết về việc tái chế, Máximo gõ cửa hơn 400 hộ dân trong cộng đồng để hướng dẫn, thuyết phục và kêu gọi họ giảm lượng rác thải ra môi trường.
Về sau, anh tạo ra Eco House - một tổ chức phi lợi nhuận với triết lý "những hành động dù nhỏ vẫn có thể mang lại sự thay đổi lớn". Cho đến nay, Eco House đã thực hiện 30 chương trình và sẽ sớm có mặt tại 23 quốc gia để vận động vì môi trường, hướng dẫn các doanh nghiệp tái chế và trộn phân hữu cơ, nâng cao nhận thức và giáo dục hơn 70.000 trẻ em tại Argentina, cùng rất nhiều người trẻ tại các quốc gia khác trên thế giới.
Shomy Chowdhury, 26, Bangladesh
Co-founder của Awareness 360 / @awareness_360
"Chúng tôi chắp cánh những nhà hoạt động xã hội trẻ, trang bị cho họ kỹ năng để theo đuổi đam mê và hành động vì cộng đồng nơi mình sinh sống."
Ở tuổi 20, bi kịch ập đến với Shomy Chowdhury khi mẹ của cô qua đời chỉ một ngày sau khi mắc bệnh tiêu chảy. Trải nghiệm đau thương cùng với việc biết được có 1,5 triệu người chết vì căn bệnh này mỗi năm đã mang đến động lực to lớn cho Shomy. Bốn ngày sau đó, cô thực hiện bài thuyết trình đầu tiên về việc thực hiện lối sống sạch nhằm ngăn ngừa các căn bệnh chết người.
Sau đó, đã có nhiều bài thuyết trình được thực hiện hướng tới những người hành nghề mại dâm, công nhân vệ sinh và những người sống trong cảnh cơ cực, lạc lõng bên rìa xã hội. Ngày nay, Shomy lan toả tầm ảnh hưởng của mình rộng hơn thông qua Awareness 360 - một tổ chức do cô đồng sáng lập, hiện đang đào tạo 1.500 nhà hoạt động trẻ trên 23 quốc gia và đã tiếp cận đến hơn 150.000 người.
Tafara Makaza, 24, Zimbabwe
COO của Tuverl / @tafaramakaza
"Tôi nghĩ đây là việc của mình: phân nhỏ các vấn đề lớn để có cách giải quyết hiệu quả hơn."
Mỗi lúc đối mặt với vấn đề, Tafara Makaza luôn tìm cách giải quyết một cách không mệt mỏi. Đó có thể là việc đi bộ liên tỉnh đến Zimbabwe, vốn cách xa thành phố Tafara sinh sống để ghé thăm nơi giảng dạy của bố cậu. Hay tình trạng thiếu thốn cơ hội việc làm khiến người mẹ học thức cao phải làm việc ở nước ngoài mỗi tháng một lần.
Sau khi chuyển đến Mỹ năm 2017, Tafara phát hiện một ứng dụng đi chung xe và nhận thấy điều bản thân có thể làm để cải thiện mọi thứ. Cậu học lập trình và ngay sau đó, hỗ trợ ra mắt 2 ứng dụng dành cho những người lao động hợp đồng và lao động liên tỉnh tại châu Phi. Hiện nay, Tafara đang giúp đỡ vận hành 2 startup ngay tại kí túc xá trường đại học của mình.
Sadya Touré, 23, Mali
Founder của Mali Musso / @miss_sadya
"Tôi cảm thấy gần gũi với Các Mục Tiêu Toàn Cầu. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết đối với tất cả mọi người. Chúng ta có thể đạt được những mục tiêu này trước năm 2030."
Sadya Touré là nạn nhân của Hủ tục cắt âm vật (FGM) khi chỉ mới 4 tuổi. Kể từ đó, cô bắt đầu sứ mệnh đấu tranh vì nữ quyền. Năm 13 tuổi, cô gia nhập Quốc hội dành cho trẻ em tại Mali (tạm dịch), bắt đầu nhịn ăn trưa để tiết kiệm tiền tham dự các sự kiện nhằm nâng cao học thức của nữ giới.
Về sau, Sadya bắt đầu giáo dục các cộng đồng toàn nam giới tại các ngôi làng về tác động kinh khủng của FGM lên sức khoẻ nữ giới. Cô đồng thời sáng lập Mali Musso - tổ chức cung cấp các học bổng đại học toàn phần, hỗ trợ chỗ ở và đào tạo nghề nghiệp cho những cô gái đến từ vùng nông thôn Mali. Ngoài ra, Sadya cũng là một blogger có tầm ảnh hưởng và tác giả của Being an Ambitious Woman in Mali - cuốn sách ủng hộ nữ quyền cho giới nữ tại Timbuktu và các cộng đồng lân cận.
Thế hệ 17: Đẩy nhanh tiến độ cho các mục tiêu toàn cầu